Trong năm học 2024 – 2025, Bộ môn Kinh tế học thuộc Khoa Kinh tế và Quản lý công, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm học thuật giàu giá trị thực tiễn dành cho sinh viên các lớp cho các môn học như: Kinh tế vĩ mô nâng cao, Kinh tế vi mô chương trình chất lượng cao… Đây là một phần trong định hướng tăng cường tính ứng dụng và kết nối thực tiễn vào hoạt động giảng dạy – học tập của Khoa, thông qua việc mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến trao đổi và chia sẻ trực tiếp với sinh viên.
Trong khuôn khổ môn Kinh tế vĩ mô nâng cao, chuyên đề với chủ đề “Tác động của các vấn đề kinh tế vĩ mô tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giải pháp cho doanh nghiệp” đã được tổ chức với sự tham gia của diễn giả ThS. Nguyễn Văn Minh – chuyên gia tư vấn doanh nghiệp và nghiên cứu chiến lược kinh tế. Buổi chia sẻ đã đi sâu phân tích các diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian qua, từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, lạm phát, đến biến động chuỗi cung ứng và thị trường lao động. Từ đó, diễn giả làm rõ cách mà những cú sốc vĩ mô này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam – đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua các số liệu thực tế, sinh viên đã có cơ hội tìm hiểu tình hình khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 – 2025 và xu hướng cắt giảm lao động. Không dừng lại ở nhận diện vấn đề, diễn giả còn dẫn dắt sinh viên sử dụng các công cụ phân tích chiến lược như mô hình SWOT, PEST, 5 lực lượng cạnh tranh (Porter) để đề xuất giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.

Ở buổi chia sẻ dành riêng cho sinh viên Kinh tế vi mô hệ chất lượng cao, chủ đề “Giải pháp chiến lược để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng” tiếp tục khơi gợi tư duy chiến lược và khả năng phản ứng linh hoạt của sinh viên trước những thách thức chưa từng có. Diễn giả trình bày kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp như May 10, Thế Giới Di Động hay American Express trong việc tái cấu trúc hoạt động, chuyển đổi sản phẩm, tối ưu nhân sự và ứng phó với tình hình suy giảm thị trường.
Buổi thảo luận còn mở rộng thành diễn đàn tương tác, nơi sinh viên trực tiếp trao đổi quan điểm về các vấn đề như: cắt giảm lương hay sa thải – đâu là lựa chọn tối ưu trong khủng hoảng? Doanh nghiệp nên chọn mô hình nhân sự đa năng hay chuyên môn hóa? Khi kinh tế biến động, có nên ưu tiên kiếm tiền hay theo đuổi đam mê?… Những câu hỏi này không chỉ gắn với bài học lý thuyết mà còn mở ra góc nhìn đa chiều về tư duy quản trị và hoạch định tương lai nghề nghiệp.
Các buổi tọa đàm không chỉ giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với các tình huống thực tế trong môi trường kinh doanh, mà còn khuyến khích khả năng phân tích, tư duy phản biện và tinh thần chủ động hội nhập. Đây là minh chứng cho nỗ lực của Khoa Kinh tế và Quản lý công trong việc xây dựng môi trường học thuật năng động, kết nối hiệu quả giữa nhà trường – sinh viên – chuyên gia và doanh nghiệp.
Bộ môn Kinh tế học
Đoàn Thị Thủy