CÂU CHUYỆN NGHỊCH LÝ “ĐƯỢC MÙA MẤT GIÁ” – TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN ĐỜI THỰC

Nguồn: Khoa Kinh tế và Quản lý công

Bài và tổng hợp ảnh: Cô Nguyễn Thị Phúc Doang

Chiều ngày 15/11/2024, tại phòng 312, Cơ sở Võ Văn Tần, sinh viên năm nhất của 2 lớp ngành Kinh tế và Quản trị nhân lực của Trường Đại học Mở TP.HCM đã được nghe chia sẻ về chuyên đề kinh tế mang tênThị trường nông sản Đồng bằng sông Cửu Long – Nghịch lý được mùa mất giáBáo cáo đã được trình bày bởi chuyên gia Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt chia sẻ trong khuôn khổ tiếp cận thực tiễn của môn học Kinh tế vi mô.

Câu chuyện “được mùa mất giá” không phải là câu chuyện mới mà diễn ra thường xuyên và tồn tại từ lâu đối với thị trường nông sản Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu nông dân khu vực này mà còn có tác động sâu rộng tới nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Buổi báo cáo là một cơ hội để các sinh viên học môn kinh tế vi mô hiểu sâu hơn về cung, cầu trong lĩnh vực nông sản, thực trạng nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chuyên gia đã giới thiệu tổng quan về tăng trưởng nông nghiệp và kinh tế tại ĐBSCL từ năm 2010 đến 2019, dựa trên các số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á và Tổng cục Thống kê. ĐBSCL, được ví như “vựa lúa” của cả nước, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhưng đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về năng suất lao động và cơ cấu kinh tế chưa tối ưu.

Báo cáo tập trung phân tích nghịch lý “được mùa mất giá,” lấy ví dụ như mặt hàng thanh long. Mặc dù Việt Nam duy trì vị trí cao trong xuất khẩu nông sản, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến giá bán giảm mạnh khi nguồn cung tăng đột biến. Chuyên gia trình bày số liệu về kim ngạch xuất khẩu, giá nhập khẩu thanh long vào Trung Quốc và sự biến động cung cầu, nhấn mạnh vai trò của chiến lược thương mại bền vững trong việc ổn định giá trị nông sản. Bên cạnh đó, nhiều số liệu thống kê về nhập và xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng đáng để suy ngẫm khi là khu vực sản xuất nông sản nhưng kim ngạch nhập khẩu nông sản cũng ở mức cao…

Ngoài vấn đề về giá cả, báo cáo cũng chỉ ra các thách thức liên quan đến tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang các thị trường khó tính và cải thiện giá trị gia tăng. Các giải pháp tiềm năng được đề xuất bao gồm đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hóa thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Buổi báo cáo đã mang lại những góc nhìn mới mẻ và thực tiễn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa cung cầu, giá cả và các yếu tố tác động trong kinh tế vi mô. Qua đó, các bạn không chỉ nắm bắt kiến thức lý thuyết mà còn hiểu được tầm quan trọng của việc áp dụng tư duy kinh tế để giải quyết các vấn đề thực tế. Buổi báo cáo còn được nhiều sinh viên quê ở các tỉnh ĐBSCL đặt câu hỏi trăn trở về cách để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản quê mình, cũng như hiến kế để đối phó với tình trạng mất mùa được giá thường xuyên này.

Đây thực sự là một chuyên đề thiết thực và ý nghĩa, góp phần tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho thế hệ trẻ trong việc đối mặt với thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.

Một số hình ảnh khác tại buổi báo cáo này:

 

TÀI KHOẢN

Chào mừng bạn ghé thăm website
Khoa Kinh tế và Quản lý Công!

Website sẽ được công bố sau:

ngày
giờ
phút
giây