Bài và tổng hợp ảnh: Nguyễn Thị Phúc Doang
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, đi kèm với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững thì bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để chúng ta chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển thị trường tín chỉ carbon và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường khác sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Thị trường carbon là một hệ thống giao dịch quyền phát thải khí nhà kính. Trong đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoặc quốc gia có lượng khí thải vượt quá mức cho phép sẽ phải mua tín chỉ carbon từ những đơn vị có lượng khí thải thấp hơn hoặc thực hiện các dự án giảm phát thải. Trước thách thức EU đang ngày càng siết chặt các quy định về khí thải cũng như sẽ đánh thuế carbon đối với các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này buộc các công ty xuất khẩu sang EU phải tìm hiểu về phát thải trong sản xuất của mình. Đồng thời Việt Nam cũng đang có những lợi thế để trong việc phát triển các dự án giảm phát thải và bán phần chênh lệch phát thải so với quy định. Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng thị trường carbon, tuy còn sơ khởi.
Để giúp sinh viên có thêm kiến thức về thị trường này, chiều ngày 01/8/2024, tại phòng 107, Cơ sở Võ Văn Tần, báo cáo chuyên đề “Thị trường tín chỉ Carbon – Học tập qua các dự án biến đổi khí hậu toàn cầu” được trình bày bởi ông Bùi Huy Bình, Chủ tịch HĐQT TraceVerified đã được tổ chức cho sinh viên lớp chất lượng cao ngành Luật kinh tế đang học môn Kinh tế học đại cương.
Hình 1: Ông Bùi Huy Bình đang trình bày bối cảnh hình thành ý tưởng nghiên cứu các dự án
Trong buổi báo cáo, ông Bình đã trình bày bối cảnh để nghiên cứu về thị trường tín chỉ carbon và chia sẻ một số tình huống trao đổi tín chỉ carbon đã thực hiện tại Việt Nam cũng như Lào, Thái Lan…mà các doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều dự án tương tự có thể lấy ví dụ này để làm tình huống nghiên cứu cho dự án của đơn vị mình.
Hình 2: Một vài dự án trao đổi tín chỉ carbon được trình bày
Trong buổi báo cáo, ông Bình cũng chia sẻ về sự chênh lệch giá giữa thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và thị trường bắt buộc cũng như công cụ Cap and Trade và giảm phát thải. Bên cạnh vấn đề giảm phát thải thì Việt Nam cũng có thể nghiên cứu hơn 21.000 dự án biến đổi khí hậu toàn cầu với rất nhiều lĩnh vực khác nhau để tính toán và mua bán tín chỉ carbon. Vấn đề trong giao dịch hàng hoá tín chỉ carbon này là cần tiêu chuẩn hoá trong nhận thức, đo lường và tiêu chuẩn. Làm thế nào để không tính trùng, cách tính như thế nào và tiêu chuẩn ra sao đối với sản phẩm đặc biệt này.
Ông Bình cũng chia sẻ hướng sinh viên ngành luật kinh tế có thể nghiên cứu về mảng lĩnh vực này để gia tăng cơ hội việc làm trong tương lai.
Nguồn: Khoa Kinh tế và Quản lý công